- Hội chứng thiểu năng tuần hoàn não là gì?
Thiểu năng tuần hoàn não hay còn gọi là rối loạn thiếu máu não, là danh từ để chỉ trạng thái bệnh lý với nhiều biểu hiện khác nhau nhưng đều có chung một cơ chế sinh bệnh là thiếu máu nuôi não, dẫn thiếu oxy vì lưu lượng máu kém đến một vùng của cơ thể. Hiện nay, các bệnh mạn tính như nhiễm mỡ máu,tăng huyết áp thừa cân, béo phì, nghiện rượu, thuốc lá…Bệnh thường gặp ở lứa tuổi trung niên và người cao tuổi, đặc biệt là người lao động trí óc, nam bị nhiều hơn nữ.
2. Thiểu năng tuần hoàn não ở người già
Là căn bệnh phổ biến ở người cao tuổi, làm giảm sút sức khỏe, khả năng lao động. Nếu không dự phòng và điều trị tích cực sẽ gây nhiều biến chứng.
Nguyên nhân ở người già
Do xơ vữa thành mạch máu, do thoái hóa đốt sống cổ làm hẹp lòng mạch, giảm lưu lượng máu lên não, do tuổi tác, cơ thể lão hóa, do chế độ dinh dưỡng và tập luyện thiếu hụt, chưa khoa học…
Các triệu chứng của thiểu năng tuần hoàn não ở người già: Đau đầu kéo dài, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, dễ bị té ngã khi thay đổi tư thế đột ngột, buồn nôn và nôn, rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, khó ngủ, tỉnh giấc giữa đêm khó ngủ lại… Suy giảm trí nhớ, nhanh quên, khả năng tập trung – chú ý kém, thường xuyên bị tê bì, nhức mỏi chân tay
Phòng bệnh thiểu năng tuần hoàn não ở người già
Khi nghi ngờ bị thiểu năng tuần hoàn não cần đi khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch hoặc nội thần kinh càng sớm càng tốt. Nên có chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường rau xanh, củ quả, trái cây, cá; hạn chế ăn thịt đặc biệt là thịt đỏ, mỡ động vật, đồ ăn nhiều muối, đồ ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp, hạn chế các chất kích thích như rượu bia, cà phê, nước có ga, thuốc lá…thể dục thể thao đều đặn, lựa chọn những bài tập phù hợp với tuổi và thể trạng của bản thân. Các bài tập như yoga, dưỡng sinh, đi bộ, hít thở sâu… rất tốt cho người già phòng chống bệnh thiểu năng tuần hoàn não.
Lưu ý: Người già không nên tắm nước lạnh hay khi mới đi ngoài trời nắng về và mùa lạnh; giữ ấm cơ thể đúng cách; buổi sáng thức dậy cần ngồi dậy từ từ, tránh thay đổi tư thế đột ngột…
3. Thiểu năng tuần hoàn não ở người trẻ
Các biểu hiện thường gặp nhất về thiếu máu não ở người trẻ tuổi có thể là: đau đầu, ù tai, mất ngủ, hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, thậm chí ngất xỉu do lưu lượng máu não giảm, giảm khả năng tập trung, ghi nhớ vào những việc đang xảy ra, hay nhầm lẫn, tính tình dễ nổi nóng, cáu gắt hơn và thay đổi cảm xúc một cách thất thường, cơ thể mệt mỏi, luôn luôn trong trạng thái “cạn năng lượng” ngay cả trong những hoạt động sinh hoạt hằng ngày, da xanh xao nhợt nhạt. Tê bì nửa người hoặc tay chân
Nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu não ở người trẻ tuổi
Lối sống & sinh hoạt thiếu khoa học: đầu óc luôn căng thẳng, stress vì cuộc sống gia đình và công việc, ngồi nhiều trước máy tính, ít vận động – thể dục thể thao, chế độ ăn nhiều dầu béo… khiến khả năng lưu thông tuần hoàn máu trong cơ thể giảm sút.
Bệnh lý đốt sống cổ: Một số bệnh lý đốt sống cổ như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ,… cũng là nguyên nhân gây thiếu máu não. Bởi các mạch máu chính dẫn máu lên não đi qua vùng cổ, và khi nơi này bị bất thường về cấu trúc hay thoái hóa sẽ chèn ép các mạch máu từ đó cản trở quá trình lưu thông máu lên não.
Bệnh thiếu máu: thiếu máu hồng cầu hình liềm, thiếu máu do thiếu sắt, do tủy xương ngừng sản xuất tế bào máu hoặc do bệnh mạn tính như lao, HIV, ung thư, bệnh thận,…
Huyết áp thấp: do áp lực máu lên thành mạch quá thấp không thể đưa máu từ tim lên não, biểu hiện dễ nhận biết nhất là hoa mắt, chóng mặt.
Bệnh tim mạch: Ở nhiều người có các bệnh lý về tim mạch như bệnh van tim, bệnh cơ tim, xơ vữa động mạch, huyết áp cao… khiến cho tim hoạt động kém, không bơm đủ lượng máu cần thiết lên não.
Dị dạng mạch mãu não: Làm tăng nguy cơ tắc nghẽn và cản trở dòng máu về não.
4. Thiểu năng tuần hoàn não ở phụ nữ mang thai
Thiếu máu não khi mang thai là một trong những triệu chứng thường gặp ở phụ nữ mang thai. Theo thống kê có khoảng 30% thai phụ gặp phải chứng thiếu máu não. Khi mang thai, lượng máu trong cơ thể người phụ nữ sẽ nhiều hơn bình thường nhưng các tế bào hồng cầu trong máu sẽ không tăng lên nhiều. Do đó, việc thiếu đi các tế bào hồng cầu này trong máu sẽ dẫn đên tình trạng thiếu máu. Chế độ dinh dưỡng của các mẹ bầu không được đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất cần thiết, từ đó dẫn đến sự thiếu hụt chất dinh dưỡng. Về lâu dài bệnh sẽ được hình thành.
Khi bị thiếu máu não, mẹ bầu sẽ có những biểu hiện bất thường như cơ thể mệt mỏi, suy nhược, da xanh tái, cảm giác khó thở, đau đầu, chóng mặt….. gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt thường ngày. Trên thực tế, thiếu máu não không phải là căn bệnh khó chữa. Nếu người bệnh chẩn đoán bệnh chính xác và thực hiện chế độ ăn uống bổ sung các loại thực phẩm cần thiết thì chắc chắn bệnh sẽ nhanh chóng được cải thiện hoàn toàn.
Nguyên nhân gây thiếu máu não khi mang thai: Thai nhi hấp thụ oxy và chất dinh dưỡng của mẹ qua dây rốn để lớn lên. Để đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng và oxy cho thai nhi, cơ thể người mẹ cần rất nhiều máu. Tuy nhiên, lượng hồng cầu trong máu không thay đổi nhiều và đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu máu khi mang thai.Khi mang thai, cơ thể người mẹ sẽ cần nhiều năng lượng và các chất dinh dưỡng cao hơn so với bình thường để phù hợp và đáp ứng nhu cầu sinh lý của người mẹ và nuôi dưỡng thai nhi khỏe mạnh. Nếu cơ thể không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng sẽ dẫn đến bị thiếu máu và cơ thể suy nhược.Chất sắt là thành phần chính cấu tạo máu. Do vậy nếu cơ thể bị thiếu sắt sẽ gây thiếu máu và gây ra các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, người mệt mỏi.
Thiếu máu não khi mang thai ảnh hưởng như thế nào đến thai nhi: Thiếu máu trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kì: Đây là thời điểm quan trọng đối với sự hình thành cơ thể của thai nhi. Thiếu máu trong giai đoạn này sẽ dẫn đến sinh non hoặc bé sinh ra sẽ bị nhẹ cân, ngoài ra còn có nguy cơ dị tật bẩm sinh. Thiếu máu trong giai đoạn 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ: Trong giai đoạn giữa và cuối thai kì, nếu mẹ bầu bị thiếu máu có thể phải đối mặt với nguy cơ sinh non, sinh con nhẹ cân, suy dinh dưỡng.
Cách đề phòng bệnh thiếu máu não khi mang thai: Cách tốt nhất để phòng chống thiếu máu não thời kỳ mang thai là xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung các thực phẩm có chứa nhiều thành phần chất tạo máu. Thực phẩm chứa nhiều sắt gồm các loại thức ăn có nguồn gốc động vật như thịt, trứng, gan,…; các loại đậu, trái cây khô. Thực phẩm chứa nhiều Acid folic: Các loại rau xanh, đậu quả, nước ép trái cây, các hạt nẩy mầm (mầm lúa mì, mầm lúa, giá đỗ…) đều giàu folat. Bên cạnh chế độ ăn uống, để phòng chống thiếu máu não khi mang thai, hàng ngày thai phụ cần uống bổ sung thêm viên sắt/folat (loại viên chứa 60 mg sắt nguyên tố và 0,4 mg acid folic) ngay từ lúc bắt đầu có thai đến sau khi sinh 1 tháng. Chị em cũng cần xây dựng chế độ sinh hoạt hợp lý, tăng cường vận động nhẹ, tạo tâm lý thoải mái giúp tăng cường lưu thông máu và phòng tránh các dấu hiệu của bệnh có thể xảy ra.
5. Phòng ngừa thiểu năng tuần hoàn não
Phương pháp tốt nhất để ngăn ngừa thiếu máu não là kiểm soát các yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng này. Giữ một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục sẽ không chỉ cải thiện sức khỏe tổng thể, mà còn cải thiện lưu thông máu. Nó cũng là một ý tưởng tốt để tránh hút thuốc và uống rượu, vì điều đó có thể thúc đẩy đông máu và các bất thường khác về sức khỏe có hại.
Ngoài ra, bạn nên thực hiện những điều sau:
- Kiểm soát huyết áp
- Không hút thuốc
- Giảm cân và kiểm soát cân nặng tối ưu
- Vận động thường xuyên hơn
- Xác định và kiểm soát rung nhĩ
- Kiên quyết trong việc điều trị các cơn đột quỵ ngắn và cơn thiếu máu não thoáng qua
- Điều trị các vấn đề về hệ tuần hoàn như là bệnh về động mạch ngoại vi, bệnh hồng cầu hình liềm, thiếu máu nặng…
- Kiểm soát đường huyết và nồng độ Cholesterol xấu trong máu
- Uống rượu điều độ, bỏ rượu càng tốt
- Ăn một chế độ ăn ít muối và giàu Kali
- Hiểu rõ các dấu hiệu về đột quỵ và phản ứng kịp thời
Trên đây là những phương pháp chung, muốn đạt được hiệu quả tốt nhất, chúng ta cần phải hiểu rõ nguyên nhân và nên gặp bác sỹ để có chỉ dẫn chính xác nhất.